Menu

07 trường hợp chấm dứt hợp đồng dân sự theo quy định hiện hành

Cập nhật: 14/05/2019
Lượt xem: 0

Bên cạnh các quy định về giao kết hay thực hiện hợp đồng, vấn đề về chấm dứt hợp đồng cũng có ý nghĩa vô cùng quan trọng. 

Chấm dứt hợp đồng dân sự được hiểu là việc kết thúc việc thực hiện các thỏa thuận mà các bên đã đạt được khi giao kết. Bên có nghĩa vụ không có trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ và bên có quyền không thể buộc bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện nghĩa vụ được nữa.Việc hiểu và áp dụng đúng các quy định về chấm dứt hợp đồng sẽ giúp các bên bảo vệ tốt nhất quyền lợi của mình cho giai đoạn kết thúc giao dịch dân sự.

 

TH1: Hợp đồng đã được hoàn thành

Đây được coi là trường hợp chấm dứt hợp đồng lý tưởng nhất, khi mà các bên đều đạt được mục đích khi giao kết của mình.

Với hợp đồng đơn vụ (hợp đồng mà một bên chỉ có quyền, một bên chỉ có nghĩa vụ) thì hợp đồng hoàn thành khi bên có nghĩa vụ hoàn thành nghĩa vụ của mình.

Khác biệt so với hợp đồng đơn vụ, đối với hợp đồng song vụ (hợp đồng mà các bên chủ thể đều phát sịnh quyền và nghĩa vụ) thì hợp đồng chỉ hoàn thành khi tất cả các bên đều đã hoàn thành nghĩa vụ của mình. Dù một bên hoàn thành nghĩa vụ mà bên kia vẫn chưa hoàn thành thì hợp đồng vẫn chưa được coi là hoàn thành.

TH2: Theo thỏa thuận của các bên

Bản chất của hợp đồng dân sự là sự thống nhất ý chí và thỏa thuận của các bên từ xác lập; thực hiện cho đến chấm dứt hợp đồng. Theo đó, trong quá trình thực hiện hợp đồng mà các bên thỏa thuận được với nhau về việc chấm dứt hợp đồng và cách xử lý hậu quả thì sự thỏa thuận đó của các bên sẽ được công nhận và cho thi hành.

Lưu ý: Thông thường với những hợp đồng mà chỉ phát sinh quyền, nghĩa vụ cho các bên chủ thể giao kết thì thỏa thuận giữa họ được chấp nhận ngay. Nhưng với trường hợp hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba thì việc chấm dứt hợp đồng phải có cả sự đồng ý của người thứ ba. Quy định này chính là đảm bảo lợi ích của người thứ ba không bị ảnh hưởng do việc hợp đồng mà họ được hưởng lợi ích bị chấm dứt, cụ thể Điều 417 Bộ luật dân sự 2015 có quy định.

 

TH3: Cá nhân giao kết hợp đồng chết, pháp nhân giao kết hợp đồng chấm dứt tồn tại mà hợp đồng phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện

Trường hợp này xuất hiện trong hợp đồng có đối tượng là công việc. Theo đó, một bên trong hợp đồng có nghĩa vụ thực hiện một công việc nhất định theo yêu cầu của chủ thể khác mà theo thỏa thuận, công việc ấy phải do chính người có nghĩa vụ đó tiến hành.
Ví dụ: B ký hợp đồng vẽ bản thiết kế xây dựng nhà cho A. Trường hợp B chết mà chưa kịp thiết kế bản vẽ cho A thì hợp đồng giữa A và B chấm dứt.

TH4: Hợp đồng bị hủy bỏ,  bị đơn phương chấm dứt thực hiện

Với trường hợp bị hủy bỏ:

Hủy bỏ hợp đồng là một trường hợp chấm dứt hợp đồng mà một hoặc các bên yêu cầu. Cơ sở của việc hủy bỏ hợp đồng chính là yêu cầu của một hoặc các bên trong quan hệ hợp đồng đó.
Việc yêu cầu có thể dựa trên các căn cứ theo quy định của pháp luật (hủy bỏ hợp đồng có căn cứ pháp luật). Hoặc đó chỉ là ý chí của một bên (hủy bỏ hợp đồng không có căn cứ pháp luật).

Khi hợp đồng bị hủy bỏ thì hợp đồng không có hiệu lực từ thời điểm giao kết, các bên không phải thực hiện nghĩa vụ đã thỏa thuận, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp.

Trường hợp bị đơn phương chấm dứt thực hiện

Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

TH5: Hợp đồng không thể thực hiện được do đối tượng của hợp đồng không còn

Mọi hợp đồng đều có đối tượng cụ thể, do vậy, khi đối tượng của hợp đồng không còn. Thì ác bên không thể tác động vào nó để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
Lúc này, đối tượng của hợp đồng mua bán không còn nên hợp đồng sẽ bị chấm dứt. 

TH6: Trường hợp do điều kiện hoàn cảnh thay đổi cơ bản

Theo quy định tại ĐIều 420 Bộ luật dân sự 2015. Có thể định nghĩa hoàn cảnh thay đổi cơ bản là trường hợp hoàn cảnh khi thực hiện hợp đồng có sự thay đổi xuất phát từ những nguyên nhân khách quan mà các bên không thể biết trước khi giao kết hợp đồng. Mặc dù bên bị ảnh hưởng đã thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết, trong khả năng cho phép để giảm thiểu thiệt hại nhưng vẫn không được. Và nếu thực hiện sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng cho một bên.

TH7: Trường hợp khác do luật quy định

Đây là trường hợp nhằm đảm bảo sự ổn định của hệ thống pháp luật Việt Nam. Bộ luật dân sự 2015 với tư cách là bộ luật chung sẽ đảm bảo sự điều chỉnh của các văn bản luật chuyên ngành về lĩnh vực nhất định.

Ví dụ: Trong lĩnh vực lao động, Bộ luật lao động 2012 đã có quy định về trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động mà khi áp dụng chuyên ngành lao động sẽ phải tuân thủ.

 

Có thể bạn quan tâm