Menu

Luật Tố cáo số 25/2018/QH14 (Luật Tố cáo 2018)

Cập nhật: 16/04/2019
Lượt xem: 0

Luật Tố cáo 2018 mở rộng phạm vi đối tượng bị tố cáo, quy định chi tiết về thẩm quyền, thủ tục giải quyết tố cáo và mở rộng thêm một số quyền, phạm vi bảo vệ người tố cáo, cụ thể như sau:

 

Phạm vi điều chỉnh
Luật Tố cáo 2018 đã lược bỏ cụm từ “cán bộ, công chức, viên chức” trong phạm vi điều chỉnh của Luật Tố cáo 2011. Đây là điểm tiến bộ của Luật Tố cáo 2018 khi đã mở rộng phạm vi đối tượng bị tố cáo. Theo đó, đối tượng bị tố cáo không chỉ bao gồm “cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực thi nhiệm vụ, công vụ” mà còn bao gồm các đối tượng khác – ví dụ như người đã không còn là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian là cán bộ, công chức, viên chức; người không còn được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhưng đã thực hiện hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ.

• Thẩm quyền giải quyết tố cáo
Luật Tố cáo 2011 không quy định nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết đối với một số trường hợp ví dụ như: (i) hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức xảy ra trong thời gian công tác trước đây nay đã chuyển sang cơ quan, tổ chức khác hoặc không còn là cán bộ, công chức, viên chức; hay (ii) trường hợp tố cáo cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, tổ chức đã hợp nhất, sáp nhập, chia, tách….. Sự thiếu hụt nguyên tắc xác định thẩm quyền giải quyết tố cáo trong những trường hợp này đã dẫn đến nhiều khó khăn, lúng túng cho các cơ quan tiếp nhận đơn tố cáo, ảnh hưởng lớn đến việc xử lý và giải quyết tố cáo. Khắc phục những hạn chế đó, Luật Tố cáo 2018 bổ sung quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo của Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ (khoản 6 Điều 13) và thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ của người có chức danh, chức vụ trong doanh nghiệp nhà nước (Điều 16). Đồng thời, Luật Tố cáo 2018 cũng tách thẩm quyền giải quyết tố cáo của Tòa án, Viện kiểm sát, Kiểm toán nhà nước thành các điều khoản riêng biệt (Điều 14, 15 và 16) nhằm đảm bảo sự rõ ràng về thẩm quyền giải quyết tố cáo của từng cấp.

• Quy trình giải quyết tố cáo
Đối với thời hạn giải quyết tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đã có những quy định nhằm rút ngắn thời hạn này như sau:

- Thời hạn giải quyết tố cáo tối đa 30 ngày kể từ ngày thụ lý tố cáo (quy định trước đây là 60 ngày, có thể gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày).

- Đối với vụ việc phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo một lần nhưng không quá 30 ngày (theo quy định trước đây, thời hạn giải quyết là 90 ngày, có thể gia hạn một lần nhưng không quá 60 ngày).

- Đối với vụ việc đặc biệt phức tạp thì có thể gia hạn giải quyết tố cáo hai lần, mỗi lần không quá 30 ngày.

Ngoài ra, Luật Tố cáo 2018 cũng quy định cụ thể về thời hạn giải quyết cho các bước trong quy trình giải quyết tố cáo; bổ sung quy định về thời hạn và phương thức “Công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo”.

Quyền và nghĩa vụ của người tố cáo
Liên quan đến quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đưa ra 02 nội dung chính về (i) Bổ sung quyền được rút tố cáo và (ii) Sửa đổi nội dung về bảo vệ người tố cáo như sau:

- Thứ nhất, trước đây Luật Tố cáo 2011 không quy định về việc rút tố cáo. Do đó, trong thời gian Luật Tố cáo 2011 có hiệu lực, nhiều trường hợp người tố cáo mong muốn rút đơn tố cáo do nhận thức được hành vi tố cáo của mình không đúng nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn thụ lý giải quyết tố cáo. Điều này làm mất nhiều thời gian, chi phí cho các cơ quan có thẩm quyền. Để hạn chế vấn đề này, Luật Tố cáo 2018 đã bổ sung quyền được rút tố cáo.

- Thứ hai, liên quan đến việc sửa đổi quy định về bảo vệ người tố cáo, Luật Tố cáo 2018 đã lược bỏ biện pháp bảo vệ người tố cáo tại nơi cư trú so với Luật Tố cáo 2011. Theo đó, hiện tại chỉ còn các biện pháp bảo vệ quy định tại khoản 1, Điều 47, Luật Tố cáo 2018 được áp dụng. Luật Tố cáo 2018 cũng đã khắc phục hạn chế của Luật Tố cáo 2011 bằng cách làm rõ những đối tượng cụ thể được gọi là “người thân thích của người tố cáo”. Quy định mới này vừa kế thừa quy định trong Luật Tố cáo 2011, vừa bảo đảm tính cụ thể, chặt chẽ của điều luật, đồng thời tập trung nguồn lực cho công tác bảo vệ, bảo đảm tính khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết tố cáo.

Có thể bạn quan tâm