Quản lý thuế thương mại điện tử cần chuyên gia công nghệ cao.
Việc ban hành chính sách và quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) tại mỗi nước phụ thuộc vào mục tiêu, trình độ quản lý và mức độ phát triển. Tuy nhiên, các nước đều có chung nhận định, TMĐT đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan thuế, nên cần có những giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả quản lý.
Đa dạng hình thức quản lý
Tại Liên minh châu Âu (EU), do tuân thủ các quy định của OECD nên luật thuế đối với hoạt động TMĐT hầu như giống với thương mại truyền thống. Theo đó, cơ quan thuế tập trung vào việc xác định đối tượng chịu thuế, giá trị giao dịch để tính toán số thuế phải nộp vào NSNN. Để chọn lọc các website của người nộp thuế không tuân thủ, cơ quan thuế thực hiện đối chiếu thông tin từ internet với khai thác từ cơ sở dữ liệu nội bộ, bao gồm thông tin trên tờ khai thuế GTGT, thuế TNDN và thuế xuất nhập khẩu để từ đó lập hồ sơ phân tích rủi ro về người nộp thuế. Cụ thể, cơ quan thuế tại Đức đã sử dụng công cụ Xpider để phát hiện các webistes của các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT; nhận diện các hoạt động TMĐT chưa thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật thuế; thu thập và lưu trữ thông tin để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra thuế. Trong khi cơ quan thuế của Áo, Pháp, Ailen, Italia và Thụy Điển cho thành lập các nhóm điều tra đặc biệt để giảm thiểu rủi ro liên quan đến mạng internet.
Còn tại Nhật Bản, do các giao dịch TMĐT đều có đặc điểm là tính nặc danh cao, dễ dàng thực hiện, phạm vi rộng, dữ liệu được mã hóa dưới định dạng số và được bảo mật, nên cơ quan thuế đã yêu cầu các ngân hàng cung cấp số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT; thực hiện mua sắm thử để nhận email từ người bán; sử dụng phần mềm khôi phục dữ liệu trên các thiết bị từ tính, hoặc đĩa cứng của các máy tính cá nhân, nhằm xác định các khoản thu nhập và chuẩn bị trong trường hợp khiếu kiện. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này, ngoài việc cần sự hỗ trợ của người nộp thuế, cơ quan thuế còn thành lập tổ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm các chuyên gia công nghệ cao, các cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm; tiến hành xây dựng cơ sở dữ liệu thu thập từ các nhà cung cấp dịch vụ TMĐT; phát triển hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet cho phép người dùng tìm được tên và địa chỉ URL của các trang web.
Trong khi đó ở Hàn Quốc, cơ quan thuế thành lập phòng quản lý thuế đối với TMĐT với nhiệm vụ phân tích xu hướng các ngành nghề liên quan đến TMĐT, đồng thời thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau để phát hiện các nghi vấn trốn thuế. Bằng cách kiểm tra số tài khoản được công bố trên trang web, hoặc thực hiện một đơn đặt hàng giả, sau đó tiến hành xác minh giao dịch tài chính, cơ quan thuế có thể xác định được doanh thu có kê khai sai hay không. Ngược lại, tại Thái Lan mặc dù có khoảng 300.000 DN kinh doanh trực tuyến đăng ký với Cục TMĐT, nhưng chỉ có 2.000 DN thực hiện đăng ký kê khai thuế, nên hàng năm số thu NSNN từ hoạt động này chỉ đạt 300 triệu baht (khoảng 9 triệu USD). Do vậy, để chống thất thu, kể từ 1/5/2017 Thái Lan đã gửi hóa đơn điện tử qua email cho các công ty có doanh thu hàng năm dưới 30 triệu baht (khoảng 900 nghìn USD) để hỗ trợ các DN TMĐT vừa và nhỏ xử lý thuế GTGT. Đối với DN lớn, hệ thống tạo lập hóa đơn điện tử đầy đủ sẽ sớm được triển khai để thay thế hóa đơn giấy.
Kinh nghiệm cho Việt Nam
Tại Việt Nam TMĐT đang phát triển mạnh mẽ. Do vậy, việc học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước là cần thiết để xây dựng chiến lược quản lý thuế đối với hoạt động này, đảm bảo sự công bằng cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh. Theo TS Lê Quang Thuận, Viện Chiến lược và chính sách tài chính (Bộ Tài chính), để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý chung về TMĐT, đặc biệt là đối với các hình thức kinh doanh mới như tiền điện tử, tiền ảo, tài sản ảo, các mô hình “kinh tế chia sẻ”. Cụ thể, cần sửa đổi Luật Quản lý thuế hướng tới mục tiêu tạo khung pháp lý để áp dụng phổ biến quản lý thuế điện tử; quy định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, theo các thông lệ quốc tế, nhất là trong hoạt động với các cá nhân, tổ chức nước ngoài. Mặt khác, có thể nghiên cứu thành lập đơn vị chuyên trách để quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, cần phát triển công cụ tìm kiếm để thu thập thông tin xử lý các nhóm rủi ro khác nhau.
Ông Thuận cũng đề xuất, cơ quan thuế cần phối hợp với Ngân hàng Nhà nước cung cấp bảng sao kê tài khoản của các tổ chức, cá nhân hoạt động TMĐT, các tổ chức không phải là ngân hàng cấp phép cung ứng dịch vụ thanh toán trung gian; phối hợp với các công ty chuyển phát, công ty bưu chính, viễn thông cung cấp số lượng hàng hóa vận chuyển. Đồng thời, kết hợp với hệ thống ngân hàng thương mại để thanh, kiểm tra các DN có dấu hiệu trốn thuế, thông qua việc kiểm soát dòng tiền. Sự phối hợp này đặc biệt cần thiết khi việc kiểm soát các giao dịch nhỏ lẻ rất khó thực hiện được.
Nguồn: Tổng cục Thuế