Tham ô khác tham nhũng thế nào? Mức phạt với công chức tham ô
Tham ô, tham nhũng là hai cụm từ thường dùng để chỉ những cán bộ, công chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi. Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, hai khái niệm này không hoàn toàn giống nhau.
Tham nhũng, tham ô là gì?
Tham nhũng
Theo định nghĩa của Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Tham ô
Cũng theo Luật Phòng chống tham nhũng 2018, tham ô tài sản chỉ là một trong số các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện.
Ngoài tham ô, còn có các hành vi tham nhũng khác như: Nhận hối lộ; Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi…
Như vậy, tham nhũng và tham ô là hai khái niệm khác nhau. Tham nhũng là cụm từ chung chỉ hành vi của người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vì vụ lợi. Trong khi đó, tham ô chỉ là một trong số các hành vi tham nhũng.
Mức phạt với công chức tham ô tài sản
Theo quy định hiện hành, cán bộ, công chức có hành vi tham ô tài sản sẽ phải chịu các hình thức xử lý như sau:
- Xử lý kỷ luật:
Nghị định 34/2011/NĐ-CP, công chức có hành vi vi phạm quy định về phòng, chống tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật như sau:
+ Khiển trách nếu có vi phạm;
+ Cảnh cáo, Hạ bậc lương nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng;
+ Giáng chức, Cách chức nếu vi phạm ở mức độ rất nghiêm trọng;
+ Buộc thôi việc nếu vi phạm ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng.
- Xử phạt hành chính:
Theo Điều 11 của Nghị định 192/2013/NĐ-CP, cán bộ, công chức có hành vi chiếm đoạt tài sản Nhà nước mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt từ 01 – 05 triệu đồng.
Ngoài ra, còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.
Xử lý hình sự:
Theo Điều 353 của Bộ luật Hình sự 2015, mức phạt đối với người tham ô tài sản từ 02 năm tù đến tử hình, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi.