Menu

Thu hút FDI là điểm sáng của kinh tế quý I.

Cập nhật: 16/04/2019
Lượt xem: 0

Đó là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 3 diễn ra ngày 2/4 tại Hà Nội. 

Theo đó, thu NSNN đạt kết quả tích cực, bảo đảm các cân đối lớn và ổn định vĩ mô trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Tính đến hết tháng 3, tổng thu cân đối NSNN ước đạt 381 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 27% dự toán cả năm và tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng chi cân đối NSNN ước đạt 315,6 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 19,3% dự toán năm và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2018. GDP quý I tăng 6,7%. Tuy thấp hơn cùng kỳ năm 2018 (tăng 7,4%) nhưng mức tăng này cao hơn cùng kỳ giai đoạn 2011-2017, thể hiện kinh tế trong nước đang tiếp tục ổn định. 

 Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,2% so với tháng trước (cùng kỳ tăng 8,7%) khiến CPI bình quân quý I tăng 2,6% so với cùng kỳ 2018. Tổng cầu tiếp tục tăng mạnh, là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 12% (cùng kỳ 2018 là 9,9%). 

 Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,2%, đồng thời sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng, đặc biệt là ngành thủy sản tăng trưởng khá ở mức 5,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong 9 năm trở lại đây. Xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, tháng 3 đạt 22,4 tỷ USD, tăng 61%, đặc biệt khu vực kinh tế trong nước đạt 17 tỷ USD, tăng 9,7%, khiến cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 1,56 tỷ USD. 

Ngoài ra, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8,8%; vốn FDI đăng ký mới đạt 5,1 tỷ USD, tăng 30,9% so với cùng kỳ; vốn FDI thực hiện đạt 4,12 tỷ USD, tăng 6,2%. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng thông tin thêm, thu hút FDI là điểm sáng nhất trong bức tranh kinh tế quý I với nhiều dự án lớn, công nghệ tốt, hàm lượng khoa học cao. Chưa kể, số lượng DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động đạt trên 43.500, riêng số DN thành lập mới đạt 28.451, tăng 6,2%. 

Tuy nhiên, tình hình kinh tế-xã hội cũng nổi lên một số vấn đề cần nhanh chóng khắc phục. Vốn đầu tư phát triển của khu vực nhà nước giải ngân thấp, vốn do trung ương quản lý giảm 30,5% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là dự án lớn của các bộ Giao thông vận tải (giảm 58%); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (giảm 55%); Bộ Tài nguyên và Môi trường giảm (22%). 

 Lạm phát chịu áp lực khá lớn từ diễn biến giá dầu thế giới, dịch tả lợn; khu vực công nghiệp và dịch vụ tăng chậm lại, tín dụng tăng trưởng thấp, hết quý I mới tăng 2,38%. 

 Ngoài ra, việc thực thi Luật Quy hoạch tác động đến hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, nhiều quy hoạch hết hiệu lực, trong khi quy hoạch mới chưa ban hành và dự báo còn mất nhiều thời gian để hoàn thiện. Môi trường kinh doanh còn nhiều rào cản, tình trạng biến tướng điều kiện kinh doanh cần được theo dõi kịp thời, một số văn bản chưa sát thực tế. 

 Việc triển khai Nghị quyết 01, 02 tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm, nhiều nơi chưa triển khai giải pháp cụ thể. Tình trạng này cũng diễn ra đối với yêu cầu thúc đẩy các lĩnh vực mới của nền kinh tế như kinh tế số, kinh tế chia sẻ. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Chính phủ, các bộ ngành, địa phương với sự quyết tâm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, tạo chuyển biến mạnh mẽ; nỗ lực phấn đấu cao nhất để thực hiện thành công và toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2019.

 Trả lời nội dung quan tâm của báo chí liên quan đến tăng giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vừa qua Chính phủ quyết định ngày 20/3 tăng giá điện. Cùng lúc, ngày 18/3 giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng Chính phủ đã quyết định không tăng giá xăng, do đó phải dùng quỹ bình ổn xăng dầu để bù. 

 Cụ thể, xăng E5 RON 92 bù 2.800 đồng/lít, xăng RON 95 bù 2.000 đồng/lít để giữ giá. Tuy nhiên, sau 15 ngày giá xăng vẫn tiếp tục tăng, dẫn đến việc tăng giá xăng dầu vào ngày 2/4 với mức xăng E5 RON 92 tăng thêm 1.377 đồng/lít, xăng RON 95 tăng 1.484 đồng/lít, các mặt hàng dầu cũng tăng 1.086 - 1.219 đồng mỗi lít, kg tuỳ loại. 

 Nếu không sử dụng quỹ bình ổn, mức tăng sẽ cao hơn, lên tới 3.019 đồng/lít đối với E5 RON 92 và 2.788 đồng/lít cho RON 95. Đây chính là các biện pháp điều tiết của Nhà nước. Ông Đỗ Thắng Hải chia sẻ khó khăn đối với DN và các hộ sản xuất kinh doanh, đồng thời thông tin thêm việc điều hành giá xăng dầu theo chu kỳ 15 ngày/lần là theo quy định của Nghị định 83, có công thức áp dụng, do đó, người dân và DN có thể tính toán để biết được chiều hướng tăng hoặc giảm, chủ động có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp. 

Có thể bạn quan tâm